Quan điểm của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các trường đại học – Kỳ cuối

Trang chủ Quan điểm của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các trường đại học – Kỳ cuối

Quan điểm của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các trường đại học – Kỳ cuối

Ngày đăng: 17/03/2017

(Tiếp theo kỳ trước)

Các yếu tố thúc đẩy và rào cản của việc hợp tác

(iv) Vai trò thúc đẩy hợp tác lớn nhất là lãnh đạo DN và cựu SV trường ĐH. Hầu hết DN khằng định vai trò tiên quyết cuả lãnh đạo DN trong việc tạo điều kiện cho UBC đuợc triển khai và phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, phần lớn các hoạt động UBC hiện đều có vai trò khởi xướng và kết nối của các nhân viên DN đã từng là sinh viên của trường ĐH mà DN có hợp tác.

Thực tế, một tình huống hợp tác giữa trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Rạng Đông đã mang lại lợi ích cho các bên nhờ vào chiến lược lâu dài, tất nhiên để đạt được điều này đòi hỏi niềm tin và cam kết từ phía nhà trường đối với DN. Tại Hội thảo “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – Bài học từ sự liên kết giữa Đại học, Viện và Công ty Rạng Đông”, Ông Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Thời gian qua hầu như giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt là các nhà khoa học với doanh nghiệp chưa có sự liên kết với nhau, nếu có thì còn rất hạn chế. Và hợp tác giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Rạng Đông là mối quan hệ hợp tác cùng tồn tại và phát triển. Đây là một quá trình lâu dài, điều kiện tiên quyết quyết định mối quan hệ bền vững này đó là nhà trường phải tạo được niềm tin đối với doanh nghiệp, phải gắn chặt với doanh nghiệp, cùng làm và cùng phát triển.” [2]

(v) Rào cản lớn nhất cuả UBC tại Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía DN và trường ĐH. Ngoài việc cho điểm rào cản này cao hơn các rào cản khác, hầu hết các DN cũng cho biết họ không có đầu mối liên lạc cho UBC.

Cơ hội mở rộng hợp tác trong tương lai

(vi) Cơ hội mở rộng UBC với các DN có hoạt động tại VN càng lâu năm sẽ càng cao hơn. Điều này thể hiện qua DN có số năm hoạt động tại Việt Nam càng lớn thì tỉ lệ có những hình thức tham gia hợp tác với các trường ĐH càng nhiều.

(vii) Cơ hội mở rộng UBC theo các nhóm mẫu: Theo quan sát từng nhóm mẫu cho thấy, các DN có từ 500 nhân viên trở lên muốn mở rộng UBC tại hầu hết các hình thức hơn các nhóm ít nhân viên hơn; các DN miền Bắc và miền Trung có mong muốn hợp tác nhiều hơn Miền Nam; các DN có hơn 20 năm tồn tại trở lên là một nhóm có mong muốn mở rộng UBC hơn những nhóm có năm hoạt động tại VN ít hơn.

(viii) Việc trải nghiệm qua hợp tác có ý nghĩa thúc đẩy mở rộng UBC. Các DN đã từng hợp tác với trường ĐH đánh giá lợi ích thu được và có mức độ mong muốn mở rộng hợp tác cao hơn nhóm DN chưa từng hợp tác với các trường ĐH ở tất cả các hình thức hợp tác được hỏi.

Kết luận

Qua nghiên cứu cho thấy rằng UBC tại Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn khởi phát và bắt đầu ở các hình thức mang tính truyền thống. Hai đối tác quan trọng và chủ yếu trong hợp tác là DN và trường ĐH đang có một “khoảng trắng”; qua kết quả khảo sát, “khoảng trắng” này không có ý nghĩa về mặt địa lý mà chính là các rào cản về tính chủ động trong hợp tác, thiếu thông tin lẫn nhau. Để lấp đầy “khoảng trắng” này các bên tham gia trực tiếp cần tích cực thể hiện rõ vai trò của mình.

Nghiên cứu “Quan điểm của DN về việc hợp tác với các trường ĐH tại Việt Nam” này là nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này tại Việt Nam, cùng với những hạn chế của nghiên cứu, những nhận định trong báo cáo này là những thông tin sơ khởi, là nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu sau này nhằm định hướng hoạt động UBC ngày càng phát triển tại VN.

Tác giả:

Nguyễn Phương Anh – Senior Consultant, T&C Consulting

[1] Nguồn: The state of European University-Business Cooperation (2011)

[2] Nguồn: http://www.rangdongvn.com/vn/Tin-tuc/Bai-viet/Doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-Bai-hoc-tu-su-lien-ket-giua-DH-Vien-va-Cong-ty-Rang-Dong.aspx

 

Bài viết được tóm tắt từ nghiên cứu “Quan điểm của các doanh nghiệp trong hợp tác với trường đại học” do nhóm nghiên cứu của T&C Consulting thực hiện vào tháng 5/2013.

#

tải hồ sơ năng lực