Tiếp cận đa chủ thể trong tranh chấp đất đai – Kỳ cuối

Trang chủ Tiếp cận đa chủ thể trong tranh chấp đất đai – Kỳ cuối

Tiếp cận đa chủ thể trong tranh chấp đất đai – Kỳ cuối

Ngày đăng: 17/03/2017

(Tiếp theo kỳ 1)

Bài học thành công từ nghiên cứu tranh chấp đất đai theo cách tiếp cận đa chủ thể

Với sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Châu Á và hỗ trợ kỹ thuật của Giáo sư John Gilespies, nhóm nghiên cứu của Công ty Tư vấn Quản lý và Chuyển đổi Tổ chức (T&C Consulting) đã áp dụng cách tiếp cận đa đối tác để nghiên cứu 5 tình huống tranh chấp đất đai giữa người dân và Nhà nước/nhà đầu tư tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho phép rút ra một số bài học trong giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam như sau:

Bài học 1: Không nên nhìn nhận tranh chấp đất đai ở một khía cạnh bề mặt

Tranh chấp đất đai giữa người dân và nhà nước thường có biểu hiện là sự bất đồng giữa người dân và chính quyền trong chính sách đền bù. Trong nhiều trường hợp, sự bất đồng này được quy về mức giá bồi thường (khía cạnh kinh tế). Việc nhìn nhận sự tranh chấp theo một khía cạnh (kinh tế) đơn thuần thường dẫn tới bế tắc vì sự thỏa thuận là rất khó khăn.

Nghiên cứu tình huống cho thấy tranh chấp thường xuất phát từ sự khác biệt trong tư duy của các bên về đất đai và các vấn đề liên quan. Các tình huống nghiên cứu gợi mở một số sự khác biệt chính như sau:

Người dân CQ địa phương Nhà đầu tư
Đất đai
  • Coi đất đai là công cụ của cuộc sống, là sự an toàn của cuộc sống.
  • Đất còn là tài sản của cha ông, là một phần trong đời sống văn hóa và tinh thần.
  • Coi đất đai là công cụ mà nhà nước sử dụng để phát triển kinh tế xã hội địa phương
  • Đất đai là yếu tố đầu vào của kinh doanh. Đất đai có thể được đầu tư để sinh lời.
Thu hồi đất
  • Việc thu hồi đất gắn liền với “biến động” trong cuộc sống: biến động về nếp sống thường ngày, về sinh kế, và về các giá trị lịch sử xã hội gắn liền với mảnh đất bị thu hồi.
  • Thu hồi đất là nhằm sử dụng đất có hiệu quả hơn trong phát triển địa phương.
  • Thu hồi đất thực chất là sự “trao đổi”, các bên cùng có lợi
Quy trình  thu hồi
  • Người dân muốn có tiếng nói trong chính sách thu hồi đất. Họ muốn được “thỏa thuận” với nhà đầu tư. Họ có quyền với mảnh đất của mình.
  • Người dân muốn được lắng nghe, muốn thấy ý kiến và nguyện vọng của họ được cân nhắc cẩn thận.
  • Đối với cán bộ, điều cốt lõi thường là “thực hiện đúng quy định của cấp trên”.
  • Điều quan trọng là “vận động, thuyết phục” người dân
  • Công bằng được đảm bảo khi giá trị đền bù cao hơn giá trị sản xuất do đất đai mang lại cho người dân
Một số định kiến nảy sinh tranh chấp
  • Chính quyền địa phương “bán rẻ” đất của người dân cho nhà đầu tư
  • Chính quyền không tôn trọng “quyền” của người dân
  • Người dân thường đòi hỏi nhiều và  không thể thống nhất.
  • Không thể thỏa thuận vì người dân đòi hỏi khác nhau và luôn thay đổi.

Như vậy, việc đầu tiên mà một ban hòa giải cần làm là tìm hiểu cách suy nghĩ, cách tiếp cận vấn đề, và cả những định kiến của các bên. Tranh chấp không phải lúc nào cũng là vấn đề kinh tế hay tiền bạc.

Bài học 2: Mục tiêu của đối thoại là tìm kiếm giải pháp các bên cùng chấp nhận

Trong các tranh chấp đất đai giữa người dân và nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội (như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, v.v) thường được mời tham gia giúp giải quyết các tranh chấp này. Tuy nhiên, nhiệm vụ ban đầu (và cơ bản) của các Hội này thường là giúp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân tuân thủ theo chính sách thu hồi đất của chính quyền. Với nhiệm vụ đó, các Hội này thường đóng vai “Ban Vận động, Tuyên truyền” hơn là “Ban hòa giải/ đối thoại”. Trong khi đó, mục tiêu nhiệm vụ lớn nhất của Ban hòa giải/ đối thoại là tìm ra giải pháp phù hợp, được các bên chấp nhận.

Bài học 3: Đối thoại càng sớm càng tốt

Cách tiếp cận thông thường hiện nay là chỉ “hòa giải/ đối thoại” khi tranh chấp đã xảy ra, thậm chí xảy ra gay gắt. Thời điểm này là quá muộn vì tranh chấp đã trở nên khó giải quyết và cũng đã để lại hậu quả cả về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan niệm hòa giải là để giúp các bên hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của nhau, từ đó có giải pháp sáng tạo để các bên cùng chấp nhận, thì công tác hòa giải/ đối thoại có thể và nên xảy ra ở mọi giai đoạn trong quá trình thu hồi đất.

Bài học 4:  Đối thoại gắn liền với sự thấu cảm giữa các bên

Kết quả nghiên cứu cho thấy hòa giải thành công đòi hỏi nhiều hơn việc hiểu biết chính sách và luật pháp. Để giúp các bên tìm ra giải pháp sáng tạo, Ban hòa giải/ đối thoại cần giúp họ thực sự “thấu cảm” – tức là hiểu được hoàn cảnh và mong muốn của nhau. Bản thân ban hòa giải/ đối thoại cũng cần có sự “thấu cảm” đó. Một phần trong sự thấu cảm đó chính là hiểu được cách nghĩ của các bên về vấn đề liên quan như bài học 1 đã chỉ ra. Những cuộc trao đổi, giao lưu, tìm hiểu, thăm viếng, quan sát riêng với từng bên đều rất quan trọng và có ý nghĩa. Điều này xuất phát từ một thực tế là các bên nhiều khi không thể trình bày hết mong muốn và hoàn cảnh của họ. Chỉ qua quan sát và “giao lưu”, những vấn đề “ẩn” mới bộ lộ rõ nét.

Bài học 5: Đối thoại hiệu quả đòi hỏi phải có thảo luận, trao đổi mở, không áp đặt

Rất nhiều các cuộc đối thoại thường bắt đầu bằng việc các bên tìm cách áp đặt ý chí của mình cho bên kia. Mức độ áp đặt càng cao, tranh chấp càng có nguy cơ bùng phát mạnh và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Để có thể trao đổi cởi mở, các bên cần sẵn sàng tạm “quên” yêu sách của mình để lắng nghe chia sẻ của bên kia. Điều này thường rất khó đối với cả chính quyền địa phương và người dân, đặc biệt khi tranh chấp đã nảy sinh. Khi đó, một ban hoặc tổ chức thực hiện chức năng đối thoại được hai bên tin tưởng sẽ có vai trò quan trọng để khởi xướng những cuộc trao đổi cởi mở.

Bài học 6: Cá nhân, tổ chức tham gia đối thoại cần tránh mâu thuẫn lợi ích

Điều kiện cần để “Ban hòa giải/ đối thoại” làm việc thành công là họ phải được các bên liên quan tin tưởng. Muốn vậy, “Ban hòa giải/ đối thoại” cần tránh các mâu thuẫn lợi ích. Như vậy, một ban hòa giải/ đối thoại lý tưởng bao gồm những người hiểu biết chính sách pháp luật, có kỹ năng thấu cảm với suy nghĩ, nguyện vọng, và mục tiêu của các bên, song lại không bị ràng buộc lợi ích với một bên nào. Các hiệp hội nghề nghiệp (nhất là hiệp hội liên quan tới pháp luật) hoặc tổ chức phi chính phủ có thể là những ứng viên tốt cho vai trò này.

Tác giả: 

  1. Nguyễn Văn Thắng – Chuyên gia nghiên cứu & Cộng tác viên T&C Consulting
  2. Nguyễn Tuấn Anh – Chuyên gia nghiên cứu & Cộng tác viên T&C Consulting
#

tải hồ sơ năng lực