Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ cuối

Trang chủ Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ cuối

Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ cuối

Ngày đăng: 24/02/2017

Kỳ cuối: Kiểm toán xã hội đã và đang được sử dụng ở Việt Nam như thế nào?

Kiểm toán xã hội được áp dụng rộng rãi lần đầu tiên vào năm 2005 trong một nghiên cứu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (là dự án do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với phạm vi nghiên cứu là 42 tỉnh, thành và từ năm 2006 đến nay là tất cả các tỉnh thành của Việt Nam.

Tương tự như vậy, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam sau khi đánh giá với ba tỉnh năm 2009 và 30 tỉnh trong năm 2010, từ năm 2011, nghiên cứu PAPI lần đầu tiên được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Đối với loại hình dịch vụ công như giáo dục, y tế với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân dân thành phố Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định và Hải Phòng năm 2004 đã sử dụng Thẻ báo cáo công dân để đánh giá sự hài lòng của người dân về các dịch vụ này.

Tiếp theo là các nghiên cứu PETS của UNDP trong Chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình 135 được thực hiện tại các địa bàn như: Sóc Trăng, Lạng Sơn, Ninh Thuận và Đắc Lắc. Để chuẩn bị cho việc sử dụng rộng rãi Kiểm toán xã hội từ năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ của UNICEF đã tiến hành một loạt các hoạt động với mục đích đào tạo, nâng cao năng lực kiểm toán xã hội nhằm tăng cường kết quả thực hiện về mặt xã hội, khả năng tiếp tục cải thiện mức sống của dân cư Việt Nam nói chung và của các nhóm dễ tổn thương nói riêng. Kiểm toán xã hội tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dưới 6 tuổi và vấn đề giới. Với các tài liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn, những đánh giá về CRC, CSC,  Kiểm toán giới,  PETs thực hiện ở các địa phương như: Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Điện Biên, An Giang được công bố rộng rãi.

Những kết quả đánh giá cho thấy, phương pháp tiếp cận kiểm toán xã hội rất phù hợp với môi trường chính sách hiện tại ở Việt Nam trong đó các vấn đề an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng cùng với quá trình phát triển kinh tế. Kiểm toán xã hội đã tìm ra được những cách làm, điển hình tốt của các ngành, các địa phương đồng thời giúp thu thập những thông tin và ý kiến góp ý cần thiết để không ngừng nâng cao hiệu quả của quá trình ra quyết định, phân bổ nguồn lực và cung cấp dịch vụ trên các khía cạnh:

  • Phân tích mức độ ưu tiên đến các vấn đề xã hội trong chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các ngành và địa phương.
  • Phân tích mức độ ưu tiên được chuyển tải thành hành động qua việc sử dụng các chỉ số theo dõi, đánh giá để xem xét tiến độ đạt được những ưu tiên qua thời gian.
  • Đánh giá tác động xã hội, tính hiệu quả và hiệu lực từ quá trình thực hiện kế hoạch và xây dựng chính sách.
  • Bổ sung những luồng thông tin truyền thống hiện có trong nội bộ hệ thống quản lý nhà nước qua việc sử dụng phương pháp đánh giá có sự tham gia của các bên liên quan để cải thiện dịch vụ công, tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng.

Những kết quả tích cực này được khẳng định tại một hội thảo gần đây về cơ hội và thách thức trong quá trình đổi mới cách thức xây dựng, theo dõi và đánh giá Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội trong đó nhấn mạnh việc áp dụng phương pháp kiểm toán xã hội được xem như một quá trình trao quyền cho người nghèo và đặc biệt là những nhóm dân đang còn bị tách biệt khỏi cộng đồng.

Tóm lại: Vai trò lớn nhất của kiểm toán xã hội là cung cấp thông tin phản hồi từ người sử dụng dịch vụ đến các cấp chính quyền nói chung và nhà cung cấp dịch vụ công nói riêng. Điều đó dần dần làm thay đổi sự tương tác giữa Nhà nước với công dân, tạo diễn đàn diễn đàn đối thoại và trao đổi thông tin để Nhà nước thực sự trở thành “của dân, do dân và vì dân”.

Tác giả: 

PGS.TS.Hoàng Thị Thúy NguyệtChuyên gia Quản lý tài chính công – T&C Consulting

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay thực hiện Khảo sát theo dõi chi tiêu công.  
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Kiểm toán giới.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Thẻ cho điểm cộng đồng.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện khảo sát Thẻ báo cáo công dân.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện Kiểm toán xã hội dựa trên quyền trẻ em.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Đưa Kiểm toán xã hội vào Việt Nam: “Những phát hiện và bài học chính rút ra từ thử nghiệm bốn công cụ Kiểm toán xã hội tại Việt Nam”.
#

tải hồ sơ năng lực