Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 2

Trang chủ Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 2

Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 2

Ngày đăng: 23/02/2017

Kỳ 2: Các công cụ của Kiểm toán xã hội

Một số công cụ kiểm toán xã hội được sử dụng nhiều nhất hiện nay ở các nước là Thẻ Báo cáo công dân; Thẻ Cho điểm của cộng đồng; Khảo sát theo dõi chi tiêu công và Kiểm toán giới. Tổng quan về các công cụ này được thể hiện ở bảng sau:

Nội dung chính Lĩnh vực phù hợp nhất
Thẻ báo cáo công dân (CRC)
  • Đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ công.
  • Kỹ thuật sử dụng: điều tra hộ gia đình và thảo luận nhóm tập trung, triển khai đối với một mẫu dân cư. Bên triển khai nghiên cứu thường là “bên thứ ba”.
  • Các phát hiện về sự hài lòng đối với cung cấp dịch vụ được công khai hóa cho các cộng đồng và xác định những giải pháp khắc phục tại chỗ.
  • Có thể khảo sát đa lĩnh vực và dịch vụ; so sánh giữa các loại dịch vụ như:  y tế với giáo dục; giữa các địa phương; giữa các nhà cung cấp với cùng một loại hình dịch vụ.
  • Áp dụng đối với các vấn đề liên quan tới nhiều ngành như chính sách giảm nghèo.
  • Có thể so sánh nhận thức của các nhóm khác nhau như: phụ nữ với nam giới; giàu so với nghèo.
  • Có thể tìm hiểu về sự thay đổi của dịch vụ theo thời gian, ví dụ: so sánh trước và sau khi chính sách giảm nghèo hoặc bảo hiểm y tế được ban hành.
Thẻ chấm điểm cộng đồng (CSC)
  • Một công cụ để theo dõi hiệu quả hoạt động tại cấp cộng đồng. Thẻ chấm điểm này cộng đồng là một “quy trình”-bao gồm phản hồi ý kiến, phổ biến thông tin, và theo dõi-chứ không đơn thuần là một tấm Phiếu ghi điểm.
  • Kỹ thuật sử dụng: thảo luận nhóm bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ.
  • CSC để xác định nhà cung cấp dịch vụ đánh giá dịch vụ như thế nào, đồng thời xác định những cơ hội cải thiện dịch vụ, không phải là đánh giá hay phê bình, chỉ trích.
  • Thẻ chấm điểm cộng đồng có thể và nên được áp dụng tại cấp cơ sở.
  • Có thể dùng thẻ chấm điểm cộng đồng tại một cấp cơ sở nhất định, đồng thời kết hợp nhiều cộng đồng khác nhau để mở rộng phạm vi giám sát.
  • So sánh hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở/ quận, huyện hoặc loại dịch vụ, khu vực, dự án, v.v.

Kiểm toán giới

  • Là công cụ xem xét mức độ và khả năng vấn đề giới được đưa vào các chính sách, chương trình và tổ chức thực hiện ra sao.
  • Kỹ thuật sử dụng: dữ liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn cá nhân; thảo luận nhóm tập trung; bảng hỏi tự đánh giá và các nguồn dữ liệu thứ cấp như là rà soát văn bản. Chủ yếu đánh giá định tính và tự đánh giá.
  • Có thể áp dụng vào bất kỳ lĩnh vực nào có lồng ghép về vấn đề giới. Liên quan đến nhiều ngành nên thường tập trung ở cấp tỉnh và cần có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao.
Khảo sát theo dõi chi tiêu công (PETS)
  • Đánh giá dòng chảy của các nguồn lực từ điểm bắt đầu đến người sử dụng cuối cùng (ví dụ: các trường tiểu học hoặc phòng khám sức khỏe).
  • Ước lượng mức độ thất thoát của các quỹ công và hỗ trợ để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của chi tiêu công; đánh giá chất lượng và số lượng dịch vụ.
  • Kỹ thuật sử dụng: dữ liệu sơ cấp thông qua: phỏng vấn cá nhân; thảo luận nhóm tập trung; quan sát hiện trường; phỏng vấn/điều tra qua điện thoại; bảng điều tra; và các nguồn dữ liệu thứ cấp. Bên triển khai nghiên cứu thường là “bên thứ ba”.
  • Không có công cụ chuẩn hóa để thực hiện PETS, thiết kế công cụ phụ thuộc vào các vấn đề được xác định.
  • Thường được dùng để theo dõi các nguồn lực trong một ngành nào đó ví dụ: y tế và giáo dục. Tuy nhiên, ngày càng nhiều PETS đang được sử dụng để giám sát chi tiêu trong các chính sách xã hội khác, (ví dụ, bảo trợ xã hội) để xác minh rằng tiền mặt hay hiện vật có đến được với nhóm đối tượng cần trợ cấp hay không.

Trên thực tế các công cụ kiểm toán xã hội có thể được sử dụng để kiểm toán tất cả các giai đoạn then chốt trong quá trình cung ứng dịch vụ công bao gồm các nội dung sau:

  • Lập và chuẩn bị ngân sách: Khuyến khích cộng đồng hưởng lợi của các chương trình chi tiêu chính phủ tham gia vào xác định ưu tiên và phân bổ ngân sách.
  • Phân tích ngân sách: Cho phép và đề cao sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong phân tích các kịch bản ngân sách đối với các ưu tiên xã hội.
  • Theo dõi chi tiêu:Cho phép tổ chức xã hội dân sự kiểm tra chứng từ tài chính của các tổ chức công.
  • Giám sát kết quả hoạt động: Các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng hưởng lợi theo dõi giám sát việc triển khai các dịch vụ công, các dự án, các chương trình của chính phủ theo các chỉ số do cộng đồng tự xây dựng. Kết quả giám sát được chia sẻ rộng rãi nhằm tăng áp lực cải cách dịch vụ công.
  • Thực hiện chính sách-phân tích chính sách: các công cụ có sự tham gia được sử dụng để thu thập nhận thức của xã hội dân sự xem các chính sách đã đáp ứng các ưu tiên về mặt xã hội của cộng đồng như thế nào.
  • Đánh giá: Chính phủ khởi xướng nhưng thường được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập với nhà cung cấp và nhóm hưởng lợi thực hiện và công bố kết quả đánh giá rộng rãi.

Mặc dù mỗi công cụ kiểm toán xã hội sử dụng các kỹ thuật được sử dụng khác nhau trong giám sát, đánh giá nhưng chúng thường có các đặc tính then chốt giống nhau như:

  • Chú trọng vào các chỉ số theo dõi, đánh giá do người sử dụng đưa ra và nội dung định tính của chính sách và cung ứng dịch vụ như sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ.
  • Phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân không giới hạn như các cuộc điều tra hộ gia đình mà thường tìm hiểu sâu hơn về nhận thức của người sử dụng dịch vụ thông qua thảo luận nhóm tập trung hoặc qua các cuộc họp phản hồi và phổ biến thông tin.
  • Chủ động khuyến khích trách nhiệm giải trình thông qua cơ chế phản hồi và phổ biến thông tin đặc biệt là công khai mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ với cộng đồng.

(Hết kỳ 2)

Tác giả: 

PGS.TS.Hoàng Thị Thúy NguyệtChuyên gia Quản lý tài chính công – T&C Consulting

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay thực hiện Khảo sát theo dõi chi tiêu công.  
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Kiểm toán giới.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Thẻ cho điểm cộng đồng.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện khảo sát Thẻ báo cáo công dân.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện Kiểm toán xã hội dựa trên quyền trẻ em.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Đưa Kiểm toán xã hội vào Việt Nam: “Những phát hiện và bài học chính rút ra từ thử nghiệm bốn công cụ Kiểm toán xã hội tại Việt Nam”.
#

tải hồ sơ năng lực