Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 1

Trang chủ Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 1

Kiểm toán xã hội: công cụ theo dõi, đánh giá chi tiêu công dựa trên kết quả hoạt động – Kỳ 1

Ngày đăng: 10/02/2017

Kỳ 1: Kiểm toán xã hội là gì?

Cùng với tiến trình toàn cầu hóa, các chính phủ và tổ chức công trên thế giới ngày càng phải chịu những áp lực lớn hơn trong việc thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người dân và giải trình về kết quả sử dụng nguồn lực. Ngoài ra, người dân cũng mong muốn được thông tin, được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cũng như phân bổ nguồn lực tài chính công. Đáp ứng đòi hỏi chính đáng đó hệ thống theo dõi, đánh giá truyền thống với trọng tâm là đầu vào, hoạt động, đầu ra và được thực hiện khép kín trong các tổ chức công cần được bổ sung các công cụ, phương pháp mới hướng tới quản lý theo kết quả. Kiểm toán xã hội-công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả và tác động của chính sách, chương trình với sự tham gia của các bên liên quan đặc biệt là của người hưởng lợi được ra đời và phát triển từ yêu cầu gia tăng trách nhiệm giải trình này của khu vực công.

Kiểm toán xã hội là gì?

Ở Việt Nam, khái niệm kiểm toán (bao gồm kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ) thường được hiểu là việc kiểm tra và xác nhận của nhà kiểm toán bên ngoài về tính đúng đắn, hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực, các quy định của chủ thể quản lý và luật pháp. Song gần đây, thuật ngữ “kiểm toán xã hội” đã được chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức dân sự sử dụng rộng rãi để chỉ một loạt các công cụ như: Theo dõi chi tiêu công, Thẻ báo cáo công dân, Theo dõi và đánh giá có sự tham gia, hoặc Lập ngân sách xã hội, trong đó nhấn mạnh đến hai đặc điểm chung nhất của các công cụ này đó là chú trọng vào sự tham gia của các bên có liên quan và trách nhiệm giải trình của nhà cung cấp dịch vụ.

Kiểm toán xã hội có thể được định nghĩa là: “Công cụ mà qua đó các cơ quan của chính phủ có thể lập kế hoạch, quản lý và đánh giá các hoạt động phi tài chính và giám sát cả các kết quả nội bộ lẫn kết quả bên ngoài của những hoạt động thương mại và xã hội của cơ quan mình”[1].

Kiểm toán xã hội giúp các chính phủ “có trách nhiệm đối với…thành quả xã hội, báo cáo về kết quả làm việc và đưa ra một kế hoạch hành động để cải thiện kết quả làm việc đó, và qua đó nắm được tác động của mình đối với cộng đồng và có trách nhiệm giải trình đối với các bên có lợi ích liên quan chính”[2].

“Kiểm toán xã hội là một công cụ quản lý và cơ chế trách nhiệm giải trình được xác định là một loạt các phương pháp luận, công cụ và kỹ thuật được dùng để đánh giá, hiểu, báo cáo và để cải thiện kết quả thực hiện về mặt xã hội của một tổ chức, một kế hoạch hay một chính sách”[3].

Các định nghĩa trên cho thấy, kiểm toán xã hội không thay thế cũng không phải là một hình thức khác của kiểm toán tài chính, mà là phương pháp tiếp cận mới của kiểm toán, gắn với “tiếng nói” của “xã hội”, bổ sung các công cụ, chỉ số và phương pháp, gia tăng độ tin cậy vào các loại hình kiểm toán truyền thống. Mục tiêu của kiểm toán xã hội là xem xét, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phi tài chính (như công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, bình đẳng giới, tôn trọng các quyền của trẻ em v.v…) của tổ chức qua việc theo dõi một cách có hệ thống và thường xuyên các quan điểm, góc nhìn của các bên liên quan trong đó nhấn mạnh đến vai trò của người hưởng lợi.

Công cụ này tạo cơ hội để người dân đóng góp ý kiến về mức độ hiệu quả trong cung cấp dịch vụ, chỉ ra những rào cản làm giảm mức độ sử dụng dịch vụ và sự thỏa mãn của người sử dụng. Từ đó góp phần tăng cường đối thoại giữa người sử dụng với các tổ chức cung cấp dịch vụ và chính quyền, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công.

Các kĩ thuật được sử dụng trong các công cụ kiểm toán xã hội có đặc điểm chung là sự tham gia của các bên liên quan nhằm đưa ra những dữ liệu chính xác và cụ thể theo từng bối cảnh về những cảm nhận và ưu tiên của người dân và cộng đồng. Sự khác biệt giữa kiểm toán xã hội và các loại hình kiểm toán khác chính là bảo đảm sự tham gia của người thụ hưởng dịch vụ (người dân) và nhà cung cấp dịch vụ (các tổ chức công) trong quá trình thực hiện kiểm toán là yếu tố quyết định sự thành công của kiểm toán xã hội.

Kiểm toán xã hội có thể sử dụng nghiên cứu định tính và định lượng một cách độc lập hay kết hợp cả hai loại hình này trong một cuộc kiểm toán với các phương pháp như: khảo sát, thảo luận nhóm trọng tâm, nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn v.v…

Các công cụ kiểm toán xã hội thường bao gồm các cấu phần phản hồi và phổ biến thông tin cho người dân, công bố các phát hiện giám sát, đánh giá về một chương trình, dự án hoặc dịch vụ công cụ thể (ví dụ: Các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, dịch vụ công về giáo dục, y tế, gom rác, cấp phép xây dựng tại một thành phố) với sự tham gia của các bên liên quan. Kiểm toán xã hội thể hiện sự sẵn sàng chịu trách nhiệm giải trình và thay đổi của các tổ chức công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân. So với kiểm toán tài chính đơn thuần, kiểm toán xã hội xác định các dịch vụ được cung cấp với chất lượng như thế nào, người sử dụng hài lòng đến đâu để từ đó theo dõi việc cung ứng cũng như cải thiện dịch vụ công. Kiểm toán xã hội thường do chính phủ hoặc tổ chức xã hội dân sự khởi xướng và được tổ chức xã hội dân sự hoặc các bên đại diện thứ ba triển khai cho chính phủ.

(Hết kỳ 1)

Tác giả:

PGS.TS.Hoàng Thị Thúy NguyệtChuyên gia Quản lý tài chính công – T&C Consulting

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay thực hiện Khảo sát theo dõi chi tiêu công.  
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Kiểm toán giới.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay Thẻ cho điểm cộng đồng.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện khảo sát Thẻ báo cáo công dân.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Sổ tay hướng dẫn thực hiện Kiểm toán xã hội dựa trên quyền trẻ em.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF (2011), Đưa Kiểm toán xã hội vào Việt Nam: “Những phát hiện và bài học chính rút ra từ thử nghiệm bốn công cụ Kiểm toán xã hội tại Việt Nam”.

[1] Social Audit: A Toolkit A Guide for Performance Improvement and Outcome Measurement, CENTRE FOR GOOD GOVERNANCE, 2005

[2] Nguồn: Tổ chức phát triển Hà Lan, 2004; www.caledonia.org.ukwww.cbs-network.org.uk

[3] Nguồn: Đưa Kiểm toán xã hội vào Việt Nam, 2011, trang 9

#

tải hồ sơ năng lực